Ẩn / Hiện Quảng Cáo

Cuộc đời bất tử của người phụ nữ nghèo bị lãng quên

Thảo luận trong 'CHUYỂN ĐỀ SỨC KHỎE' bắt đầu bởi VietFones, 26/12/18.

  1. 26/12/18 lúc 10:46

    VietFones

    Administrator

    VietFones
    Tham gia:
    16/1/07
    Bài viết:
    2,376
    Được thích:
    3,180
    Cuộc đời bất tử của người phụ nữ nghèo bị lãng quên

    Nhờ tế bào HeLa của Henrietta Lacks, y học đạt được vô số thành tựu, song bà và những người thân bị lãng quên trong khốn khó.


    Henrietta Lacks qua đời ngày 4/10/1951 ở tuổi 31 do bệnh ung thư cổ tử cung. Mất mát này là bi kịch đối với gia đình bà, nhưng đối với ngành nghiên cứu y học, đây lại là khởi nguồn của một loạt thành tựu.
    Nhờ tế bào trích từ khối u của Henrietta trong quá trình phẫu thuật, nhân loại có được hàng loạt thành công trong nghiên cứu, từ vắcxin bại liệt, hóa trị, nhân bản, lập bản đồ gene đến thụ tinh trong ống nghiệm.
    [​IMG]
    Henrietta Lacks. Ảnh: History.
    Theo The Guardian, tế bào HeLa (sử dụng hai âm đầu trong tên và họ của Henrietta) trở thành tế bào bất tử đầu tiên trong lịch sử.
    Trước đó, các nhà khoa học từ Bệnh viện Johns Hopkins, Mỹ, nơi nữ bệnh nhân qua đời, đã cật lực làm việc hàng năm trời để tạo ra dòng tế bào có thể tái tạo liên tục. Dù được nuôi cấy bằng phương pháp đặc biệt, hầu hết các tế bào đều chết, chỉ tế bào HeLa có thể sinh sôi nảy nở vô hạn theo đúng nghĩa đen.
    Đến nay, giới nghiên cứu chưa lý giải được hiện tượng trên. Giả thiết được nhiều người đồng tình nhất là khối u trong cơ thể Henrietta hung dữ hơn bình thường do sự tác động của bệnh giang mai mà người phụ nữ mắc phải.
    Nhờ tế bào HeLa, tất cả các thí nghiệm y học trở nên khả thi hơn bao giờ hết. Các nhà khoa học có thể quan sát quá trình phân chia tế bào và hoạt động của virus trong tế bào. Họ còn có thể tấn công tế bào bằng chất gây ung thư sau đó theo dõi kết quả. Từ năm 1951, tế bào HeLa đã được tiếp xúc với vô số các độc tố, chất phóng xạ và đem thử với vô số loại thuốc.
    Trong nhiều thập kỷ, tế bào HeLa được ca ngợi là mấu chốt của những đột phá nối tiếp đột phá. Thế nhưng, bản thân Henrietta lại bị lãng quên. 37 năm sau cái chết của bà, cây bút Rebecca Skloot lúc đó 16 tuổi ngồi nghe giảng về bệnh ung thư và thắc mắc những điều chẳng học sinh nào để tâm.
    "Tôi hỏi giáo viên của mình rằng Henrietta Lacks là ai, đến từ đâu và có gia đình không", Skloot nhớ lại. "Những gì giáo viên của tôi biết chỉ có bà ấy là người gốc Phi và qua đời vào năm 1951 vì ung thư cổ tử cung".
    Tốt nghiệp ngành sinh học, Skloot quyết định tìm hiểu sự thật đằng sau các tế bào HeLa và khám phá ra những bí mật động trời. Hóa ra, dù tế bào của Henrietta làm thay đổi bộ mặt của y học hiện đại, chồng và con bà đều không hề hay biết, thậm chí không được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe xứng đáng. Thậm chí, tế bào HeLa bị lấy đi mà chưa hề có sự chấp thuận của Henrietta.
    Tế bào HeLa góp phần phát triển các phương pháp điều trị y tế nhưng chỉ phục vụ những ai có khả năng chi trả chứ không dành cho người nghèo như gia đình Henrietta. Các ngân hàng tế bào và công ty công nghệ sinh học bán lẻ tế bào HeLa với giá 260 USD một ống song gia đình Henrietta không được nhận chút tiền nào. Chồng Henrietta là Day làm việc tại nhà máy thép ở Baltimore với mức lương 80 xu một giờ để nuôi 5 đứa con.
    Thông qua việc phỏng vấn hàng trăm người, Skloot biết rằng Henrietta đã đoán trước cuộc sống bấp bênh của gia đình. Trước khi Henrietta mất, bác sĩ thông báo với chồng bà rằng ông không thể đưa các con vào thăm vợ vì bà ốm rất nặng. Nghe vậy, Day để lũ trẻ chơi trong khu vườn đối diện nơi vợ điều trị. Thay vì nằm một mình và chịu đựng những cơn đau, Henrietta thường cố bước tới cửa sổ, ngắm nhìn những đứa con mà bà biết sẽ chẳng bao giờ ôm trong vòng tay mình được nữa.
    Khi hấp hối, Henriette dặn chồng: "Chăm sóc cho các con. Đừng để chuyện gì không tốt xảy ra". Tuy nhiên, số phận đã không mỉm cười với Day. Đứa con cả của vợ chồng nhà Lacks gặp vấn đề về phát triển và qua đời ít lâu sau mẹ. Bốn người con còn lại đều mắc bệnh còn Day bị ung thư tuyến tiền liệt với lá phổi chứa đầy amiăng.
    Từ những phát hiện của mình, Skloot viết cuốn sách "Cuộc đời bất tử của Henrietta Lacks", trong đó đề cập đến quyền sở hữu của gia đình bệnh nhân cung cấp mẫu vật và câu chuyện con người phía sau những ống tế bào.
    "Dường như không ai để ý rằng đằng sau những mẫu vật sinh học được sử dụng trong các phòng thí nghiệm là một con người, một cá thể sống", Skloot nói.
    Tại nghĩa trang ở Virginia, nơi Henrietta Lacks từng nằm trong ngôi mộ không tên, một đài tưởng niệm cuối cùng cũng được dựng lên để tưởng nhớ người phụ nữ "chạm tới cuộc sống của nhân loại".
    Thu Thảo
     

Chia sẻ trang này