Ẩn / Hiện Quảng Cáo

Android Go là gì, nó có làm Android phân mảnh thêm hay không?

Thảo luận trong 'THÔNG TIN CÔNG NGHỆ KHOA HỌC.' bắt đầu bởi NguyenLong248, 21/5/17.

  1. 21/5/17 lúc 08:06

    NguyenLong248

    Administrator

    NguyenLong248
    Tham gia:
    28/3/07
    Bài viết:
    8,957
    Được thích:
    7,313
    Android O mới nhìn qua thì không phải là một bản update mà chúng ta thường mong đợi: không có giao diện mới, không có app mới, tính năng mới mà chúng ta có thể tận tay sờ và xài cũng không nhiều. Nhưng với Google, Android O lại là bản cập nhật rất qua trọng vì nó là cánh cửa giúp công ty tiến gần hơn tới mục tiêu chinh phục nhiều tỉ người dùng Android tiếp theo (hiện có 2 tỉ máy Android được xài tích cực mỗi tháng). Và Android O đẻ ra Android Go, một cấu hình đặc biệt cho phép Android chạy trên cả những thiết bị cấu hình thấp nhắm tới thị trường mới nổi và các quốc gia vẫn còn khó khăn.

    Nói sơ một chút về Android Go, đây là một bản Android siêu nhẹ có thể chạy trên cả những điện thoại với RAM chỉ tầm 512MB hay 1GB. Android Go sở hữu bộ nền Android được tùy biến lại để ít hao tài nguyên hơn, ngoài ra bộ app Google đi kèm cũng được tinh chỉnh để xài ít data hơn và dung lượng bé hơn. Android Go vẫn có Play Store, nhưng app nào tối ưu cho Go sẽ được hiển thị nổi bật hơn nhằm thông báo cho người dùng. Và cuối cùng, có vẻ như Google đang có ý định buộc mọi máy RAM dưới 1GB phải chạy Android Go để đảm bảo trải nghiệm tốt.

    Cần nói rõ: Android Go không phải là một bản Android riêng, nó giống như một chế độ đặc biệt nằm ẩn trong Android O và những ai có điện thoại với RAM hơn 1GB sẽ không thấy được. Khi Android O được nâng cấp lên bản mới hơn trong năm sau, Android Go cũng theo đó mà lên.
    [​IMG]

    "Go là cách mà chúng tôi tập trung vào phần cứng yếu và đảm bảo rằng Android vẫn chạy tốt trên đó", phó chủ tịch mảng kĩ thuật Android Dave Burke nói. Chiến lược của Android bây giờ là chiến lược 2 chân: với Android O, người dùng có một OS nhiều chức năng hơn, hiệu năng tốt hơn và xài ít điện hơn, trong khi Android Go sẽ giúp công ty tiến vào những thị trường mới mà những bản Android trước đây không thể làm được.

    Hãy nhìn vào số liệu thống kê mới nhất, Android 7.0 và 7.1 mới chỉ đang chiếm có 7% số thiết bị trên toàn cầu mà thôi. Android 6.0 thì đang chiếm tỉ trọng 31,2% dù đã ra mắt được gần 2 năm, và Android 4.4 thì chiếm 19%. Nói cách khác, một phần rất lớn thiết bị Android đang chạy những phiên bản rất cũ, đâu đó trong khoảng 2 đến 3 năm, và tất nhiên trải nghiệm của những người đang phải xài điện thoại cũ sẽ rất khác với những người có tiền sắm máy mới.

    Một phần lý do của việc này bắt nguồn từ cách mà điện thoại được sản xuất tính đến thời điểm hiện nay. Khi các công ty làm chip như Qualcomm và MediaTek thiết kế chip mới, bước kế tiếp là họ xem chip có thể chạy được trên bản Android nào, từ đó mới bắt đầu tùy biến thêm để đảm bảo tính tương thích. Khi họ muốn bán chip của mình cho những thiết bị giá rẻ, họ sẽ đi lục lại các phiên bản Android cũ vốn không đòi hỏi nhiều sức mạnh, bằng không khách hàng sẽ chê và không thể bán được hàng. Điều này có nghĩa là sẽ có một vài điện thoại vẫn còn cài sẵn Android 4.4 KitKat ngay từ khi xuất xưởng dù bây giờ đã là năm 2017 rồi!
    [​IMG]

    Với Android O, Google thay đổi quy trình nói trên. "Thứ mà chúng tôi đang làm đó là làm việc với các đối tác sản xuất SoC từ giai đoạn đầu của Android O nhằm giúp nó chạy được trên những con chip tầm thấp", Samat cho hay. Nói cách khác, Google làm việc với Qualcomm, MediaTek và một số nhà sản xuất khác để đảm bảo rằng các đơn vị này biết về Android O, biết về cách nó vận hành, về yêu cầu kĩ thuật của nó, và cách mà nó có thể chạy được trên phần cứng không quá mạnh. Nhờ vậy, khi những hãng này cần bán chip cho khách hàng, họ sẽ chọn Android Go thay vì Android 4.4 hay 5.x và vẫn an tâm rằng hiệu năng vẫn tốt, không bị khách phàn nàn.

    Nhưng sẽ không có nhiều ý nghĩa khi mà những thiết bị này không được cập nhật về sau dù đã từng được chạy Android Go dựa trên phiên bản Android mới nhất. Hãy nhìn ra kia mà xem còn biết bao nhiêu máy vẫn còn chạy bản Android cũ rích từ đời nào rồi.

    Vậy nên Google nghĩ ra Project Treble. Đây là dự án tái cấu trúc Android để giúp các hãng điện thoại update nhanh mỗi khi Android có bản mới mà không cần đợi hãng làm chip. Nói đơn giản như thế này: khi Android 8.1 ra mắt, Samsung, Sony, HTC, LG không cần chờ Qualcomm và MediaTek nâng cấp phần mã nguồn giao tiếp với CPU nữa. Bản thân các hãng làm điện thoại có thể đem bản Android mới về tùy biến rồi phát hành thẳng cho người dùng, tức là nhanh chóng, dễ dàng hơn vì bớt được 1 khâu trung gian.

    Chi tiết về Treble:
    Để làm được điều này, Google thêm vào một lớp phần mềm mới giúp tách biệt phần code giao tiếp với chip ra riêng, lúc thay đổi thì chỉ bộ khung Android bên trên đổi mà thôi, phần dưới có thể tương thích với những bản Android kế tiếp. HIện Treble đã có trên bản thử nghiệm của Android O cho các máy Google Pixel.

    Để tìm hiểu kĩ hơn, trước tiên chúng ta hãy xem thử vòng đời của một bản Android ra đời sẽ như thế này.

    [​IMG]

    1. Nhóm Android sẽ đăng tải mã nguồn mở lên các kênh và website của Android Open Source Project, nơi mà mọi người trên thế giới đều có thể truy cập

    2. Các hãng sản xuất chip, ví dụ như Qualcomm, MediaTek, VIA.. sẽ tinh chỉnh lại Android cho phù hợp với phần cứng của họ. Họ làm ra một thứ gọi là Vendor Implementation (VI), tức là những phần mềm được viết ra giúp Android có thể nhận biết, giao tiếp với chip, từ đó có thể vận hành được. Mỗi khi có bản Android mới, phần VI này đều phải được tinh chỉnh lại.

    3. Các hãng làm chip chuyển giao bản Android đã tùy chỉnh này cho nhà sản xuất thiết bị - những công ty thiết kế và sản xuất điện thoại, ví dụ như HTC, LG, Samsung, Sony. Các OEM này lại chỉnh sửa Android tiếp tùy theo nhu cầu và chiến lược phát triển của công ty.

    4. Nhà sản xuất tiếp tục làm việc với các nhà mạng để kiểm tra và thử nghiệm bản Android xem nó có hoạt động tốt với mạng hay chưa.

    5. Nhà sản xuất và / hoặc nhà mạng phát hành update cho người dùng. Ở Việt Nam nhà mạng không tham gia phát hành, chỉ có hãng sản xuất tự làm thôi.

    Nguyên một quy trình này mất rất nhiều thời gian và đây là lý do các hãng Android thường chậm cập nhật thiết bị hơn vài tháng kể từ khi phiên bản mới ra mắt.

    [​IMG]

    Trong khi đó, Project Trebel tái cấu trúc lại Android theo cách giúp nhà sản xuất có thể nhanh chóng update thiết bị hơn. Để làm việc này, Google chêm thêm một lớp Vendor Implementation (VI) mới nằm trên lớp VI cũ. Lớp VI mới này có những chuẩn mực chung để lớp VI bên dưới sử dụng xuyên suốt các bản Android nên cứ mỗi lần có bản cập nhật mới, hãng làm chip không cần viết lại phần VI, các thay đổi đã được lớp VI mới đảm đương xử lý rồi.

    Nói cách khác, nhờ có lớp VI mới mà nhà sản xuất thiết bị không cần chờ nhà sản xuất chip update VI nữa, khi Google ra mắt Android mới họ có thể cầm cục Android đó về áp dụng các tùy biến họ muốn rồi đưa thẳng đến tay người dùng, bỏ được 1 khâu trung gian.

    Project Treble sẽ được áp dụng cho tất cả các thiết bị cài sẵn Android O về sau. Hiện Treble cũng đã áp dụng cho những chiếc điện thoại Pixel thông qua bản Developer Preview của Android O rồi.
    Bấm để mở rộng...​
    Tóm lại, Android Go nói riêng và Android O nói chung sẽ được cập nhật nhanh chóng hơn, thường xuyên hơn. Trước đây có HTC dám cam kết ra mắt bản update sau 90 ngày kể từ khi Google chính thức công bố Android và hãng vẫn còn giữ được lời hứa đó cho đến nay. Samsung, LG hồi trước phải chờ lâu mới được thưởng thức bản mới, giờ cũng cải thiện nhiều. Sony thì rất tích cực, nhiều khi còn cho thử luôn cả bản Preview của Android nữa. Tình hình sẽ càng được cải thiện hơn nhờ Project Treble.

    Tất nhiên đây chỉ là lý thuyết, còn thực tế ra sao thì phải chờ thêm mới biết vì Google trước giờ đã từng hứa nhiều lần, với nhiều dự án khác nhau, nhằm giúp các máy cũ được update nhanh hơn nhưng thay đổi đó không đáng kể và anh em chúng ta vẫn còn khá lầm than khi nói về việc được sử dụng bản Android mới.

    Chính Samat cũng nói rõ rằng Android O không được thiết kế ra để "giải quyết sự phân mảnh". Và thật sự thì Android O cũng khó mà giải quyết được triệt để nếu như các nhà sản xuất vẫn còn tùy biến mạnh phiên bản Android của mình cũng như tiết kiệm chi phí cập nhật cho những dòng điện thoại giá thấp (bằng cách đẩy mức độ ưu tiên xuống thấp hơn so với các máy đắt tiền). Đây đã là một phần của Android, một đặc trưng của Android, nên khó mà bỏ được.

    Dù sao thì Android Go cũng là tin tốt cho những ai không có hầu bao rộng rãi, hoặc những ai không có nhu cầu mua điện thoại giá cao.

    Chưa hết, Samat nói rằng dù các thiết bị cũ có đạt mức cấu hình mà Android Go yêu cầu hay thậm chí mạnh hơn thì chúng cũng chưa chắc được nhận bản update mới. "Đây không phải là thứ chúng tôi tập trung vào. Chúng tôi tập trung đưa nó tiến về tương lai". Ngay cả Google đã nói như vậy thì xác suất chiếc điện thoại 4-5 triệu của bạn được lên Android O / Android Go là rất rất thấp.
    [​IMG]

    Ủa vậy nếu mấy cái máy mới ra, ví dụ như chiếc Moto C với RAM 1GB và chạy Android 7.0, khi update lên Android O có được xài những cái hay của Go hay không? Google cho hay họ đang bàn vụ này với các nhà sản xuất thiết bị và hiện vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Vấn đề nằm ở những ứng dụng Google Apps được tùy biến riêng cho Go. "Nếu bạn update một cái máy cũ lên, chúng tôi không thể đổi app cho bạn. Nếu bạn mua một cái điện thoại mới với Android Go, bạn có một bộ Google Apps khác cơ mà". Trong tình huống xấu nhất, Google dự tính sẽ đưa những app tùy biến này lên Play Store để người dùng tải về, khi đó ai cũng có thể xài những bản "Lite" này mà không nhất thiết phải có điện thoại giá rẻ. Một chiếc Galaxy S8, LG G6 hay HTC U11 cũng chạy được luôn.

    Vẫn còn quá sớm để nói kĩ hơn về Android O và Go, vậy nên sự xuất hiện của những câu hỏi này cũng không quá ngạc nhiên...
    Tham khảo: Engadget
     

Chia sẻ trang này